Đó là một trong những mục tiêu của hội thảo “Phát triển bền vững nguồn năng lượng tái tạo nối lưới và điện mặt trời mái nhà” do Bộ Công Thương tổ chức sáng 9/7, tại Tp. HCM. Nhiều ý kiến, kiến nghị được nêu tại hội thảo để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy năng lượng tái tạo (NLTT) nối lưới và điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) phát triển hơn nữa.
Điện mặt trời mái nhà chưa xứng với tiềm năng
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, giai đoạn 2020 - 2030, nhu cầu tiêu thụ năng lượng vẫn tăng trưởng cao, ở mức từ 7,5-8%/năm. Điều này gây nhiều khó khăn, thách thức cho hệ thống điện, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đã khai thác hết các nguồn năng lượng sơ cấp; nhiều dự án nhiệt điện than theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh bị chậm tiến độ,…
Trong bối cảnh hệ thống điện đang chịu nhiều áp lực về bảo đảm cung ứng điện, đặc biệt sau năm 2020, thì việc phát triển các dự án năng lượng tái tạo nối lưới và điện mặt trời mái nhà được xem là một trong những giải pháp quan trọng, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng khẳng định.
Những năm gần đây, với các cơ chế ưu đãi của Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của Bộ Công Thương, địa phương, các doanh nghiệp và sự hỗ trợ tích cực của ngành Điện, nguồn NLTT phát triển nhanh chóng. Tổng công suất NLTT trong hệ thống hiện đạt trên 5.500MW. Riêng với điện mặt trời đã có 5.000MW vào vận hành, trong đó các dự án nối lưới đạt khoảng 4.500 MW, điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) đạt trên 31.570 dự án với tổng công suất lắp đặt 657,88MWp.
Việt Nam trở thành quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao và là điểm sáng trên thế giới về phát triển NLTT nói chung và điện mặt trời nói riêng, được các tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng (hàng đầu, đứng giữa) tham quan các gian hàng điện mặt trời tại hội thảo
Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực, nhưng công tác phát triển ĐMTMN vẫn còn một số hạn chế nhất định và chưa tương xứng với tiềm năng, đặc biệt ở khu vực miền Trung và miền Nam. Cụ thể, chi phí đầu tư ban đầu còn khá cao, chưa có sự tham gia, hỗ trợ mạnh mẽ từ các tổ chức tài chính; thị trường sản phẩm, dịch vụ điện mặt trời khá đa dạng nhưng chưa có tiêu chuẩn kỹ thuật cụ thể gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp mong muốn đầu tư...
Công tác tuyên truyền, quảng bá còn hạn chế; khách hàng còn e ngại trong đầu tư do thiếu thông tin về chất lượng sản phẩm, đơn vị thi công, lắp đặt, chế độ vận hành, bảo hành thiết bị…
Cần cơ chế thúc đẩy
Phát biểu tại hội thảo, ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng giám đốc EVN cho hay, thời gian qua, EVN đã triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh phát triển ĐMTMN.
Cụ thể, Tập đoàn đã hướng dẫn các tổng công ty điện lực triển khai Quyết định 11/2017/QĐ-TTg, 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; tiến hành phân cấp thực hiện quy trình đấu nối, kiểm tra kỹ thuật, lắp đặt công tơ 2 chiều, ký kết hợp đồng mua bán điện và thanh toán tiền điện cho các công ty điện lực, nhằm tạo điều kiện tối đa cho khách hàng khi lắp đặt ĐMTMN.
EVN cũng tăng cường quảng bá, tuyên truyền tới mọi đối tượng khách hàng về lợi ích của ĐMTMN; chỉ đạo các đơn vị thuộc EVN và khuyến khích CBCNV tiên phong lắp đặt ĐMTMN. Hiện nay, EVN cũng đang xây dựng nền tảng EVNSOLAR, trang tin solar.evn.com.vn để góp phần thúc đẩy loại hình này phát triển mạnh mẽ hơn.
Cũng theo ông Võ Quang Lâm, để đẩy mạnh phát triển ĐMTMN, thời gian tới, Chính phủ cần có cơ chế khuyến khích các cơ quan, đơn vị, tổ chức trực thuộc các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố lắp đặt ĐMTMN; hỗ trợ các hộ gia đình một phần kinh phí đầu tư ban đầu,...
Ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng giám đốc EVN phát biểu tại hội thảo
Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ cần sớm ban hành tiêu chuẩn ĐMTMN; các ngân hàng, nhà đầu tư, các tổ chức quốc tế và trong nước tham gia sâu rộng vào thị trường ĐMTMN tại Việt Nam. Ngoài ra, các nhà đầu tư, sản xuất, cung cấp, lắp đặt phối hợp với EVN, các đơn vị Điện lực cung cấp các giải pháp, gói dịch vụ hấp dẫn cho khách hàng.
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết, hiện nay, Bộ Công Thương đang xây dựng các chương trình hành động phát triển NLTT trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt để làm cơ sở triển khai trong thời gian tới. Đồng thời, Bộ cũng tiếp thu tất cả các ý kiến, kiến nghị; tiếp tục nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện các cơ chế, chính sách báo cáo Chính phủ xem xét quyết định trên tinh thần đồng hành, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân cùng tham gia phát triển bền vững nguồn NLTT nói chung, ĐMTMN nói riêng tại Việt Nam.
Nguồn: https://www.evn.com.vn/